Truyền thống khoa bảng Lương Tài

Tỉnh Bắc Ninh là miền đất sinh thành vị tổ của nền khoa bảng Việt Nam, nơi có làng Tam Sơn (xã Tam Sơn - Từ Sơn), địa phương duy nhất trong cả nước có đủ tam khôi với 22 vị tiến sĩ trong đó có 2 trạng nguyên. Truyền thống hiếu học đất Kinh Bắc năm xưa đã và đang được lớp lớp con cháu kế thừa và phát huy.

Trong lịch sử, ở huyện Lang Tài (Lương Tài ngày nay), người đỗ tiến sĩ đầu tiên là Nguyễn Tiến Lương khoa Nhâm Thìn, Hồng Đức 1472.[6]

Trong thời kỳ Nho học phát triển, ở Lương Tài, theo thống kê chưa đầy đủ đã có tới gần 57 vị học giỏi và đỗ đạt cao từ Tiến sĩ trở lên. Có trên dưới 30 xã (thôn) có người đỗ Tiến sĩ như: Quảng Bố, Lĩnh Mai (xã Quảng Phú), Ngọc Trì, Cổ Lãm (xã Bình Định), Ngọc Quan (xã Lâm Thao), Phá Lãng, Dị Sử (Đạo Sử xã Phá Lãng - nay là thị trấn Thứa), Văn Xá (xã Phú Hoà), Trình Khê, Trung Chinh (xã Trung Chính), Lai Hạ (xã Lai Hạ), Đăng Triều (xã Trừng Xá), Thanh Lâm, An Trụ (xã An Thịnh), Tháp Dương (xã Trung Kênh), Lương Xá (xã Phú Lương), Nhất Trai (xã Minh Tân)…

Trong đó một số thôn có nhiều người đỗ đạt cao, tiêu biểu như: thôn Quảng Bố (xã Quảng Phú) có bốn người đỗ tiến sĩ, trong đó có dòng họ Nguyễn có ba người ở 3 đời. Thôn Văn Xá (xã Phú Hoà) có 5 Tiến sĩ. Thôn Lai Xá (xã Lai Hạ) có tám người. Thôn Ngọc Quan (xã Lâm Thao) có tám người đỗ. Có gia đình có tới 4 Tiến sĩ: Vũ Quyền đỗ cử nhân 1819, em con ông chú là Vũ Đình đỗ giải Nguyên năm 1819, em con ông chú là Vũ Cầu đỗ giải Nguyên, cháu là Vũ Thực cũng đỗ giải Nguyên. Có gia đình cả ba đời liền đều đỗ Tiến sĩ là Vũ Chu (cha), Vũ Chiêu (con) và Vũ Chinh (cháu). Nổi bật nhất là thôn Lương Xá (xã Phú Lương), có tới 13 người đỗ Tiến sĩ, trong đó có 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 3 Hoàng giáp và 8 người đỗ Tiến sĩ.

Trạng nguyên Vũ Giới đỗ năm Đinh Sửu (1577).

Trong những Tiến sĩ đã đỗ ở Lương Tài, nhiều người có những nét rất độc đáo.

Nguyễn Bạt Tuỵ (xã Phá Lãng) đỗ Tiến sĩ sau làm Thượng thư (quan cao nhất Triều đình - sau vua), để lại cho đời một tập thơ là "Nhị thập tri hiếu" (24 điều hiếu).

Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên - người xã Lai Hạ), người nổi tiếng về văn thơ đã lưu lại bài "Văn tế cá sấu", nhiều trường học đã lấy tên ông đặt tên cho trường.

Nguyễn Lệnh Nghi ở Thanh Lâm (xã An Thịnh) đỗ Tiến sĩ năm Mậu Tuất 1718, sau làm Thượng thư, tương truyền hồi nhỏ là người rất thông minh. Năm lên 9 tuổi, một lần ra sông tắm, ông cởi quần áo vắt lên cây thụ, bất ngờ có một viên quan to đi qua, thấy cậu bé trần truồng, hỏi thì nói là học trò, quan liền ra vế đối: "Thiên tàm cổ thụ vị y giả" (Ý: lấy cây cao nghìn tầm làm giá áo), cậu bé không cần phải nghĩ lâu đối ngay: "Vạn phái trường giang tác dục bồn" (Ý: Lấy sông dài muôn nhánh làm chậu tắm), quan chịu, cho là giỏi liền thưởng quà.

Hoàng Sĩ Khải, Tiến sĩ khoa thi 1544, sau làm Thượng thư bộ hộ kiêm tế tửu Quốc tử giám (Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám) (quê làng Lai Xá).

Nguyễn Đăng Triều, thôn Lĩnh Mai (xã Quảng Phú) từ nhỏ rất thông minh, hiếu học. Sau thi đỗ được làm "Hoài viên tượng quân chỉ huy sứ", đi đâu được ngồi đòn bát cống, chỉ kém vua có một đòn.

Nguyễn Toàn ở Tháp Dương (xã Trung Kênh) là người thuộc dòng họ có tiếng, tổ tiên nhiều đời là công hầu.

Rồi Lương Phụng Thìn, Vũ Cận (Lương Xá, xã Phú Lương) đã để lại nhiều bài thơ có giá trị.

Từ những năm 1522 có người đỗ Tiến sĩ khi tuổi còn rất trẻ như Đào Lâm đỗ lúc 18 tuổi tại khoa thi Mậu Tuất (1478).

Có người kiên trì học đến mức tuổi cao (vượt tuổi lên lão đầu tiên 50 tuổi) như Hoàng Sĩ Trạch (Lai Xá) đỗ năm Nhâm Tuất 1502, năm 53 tuổi. Phạm Vĩnh Truyền đỗ năm Bính Tuất 1526, lúc 53 tuổi. Nguyễn Hữu Nho đỗ năm Kỷ Sửu 1581 lúc 61 tuổi. Vũ Miễn (Ngọc Trì - xã Bình Định) đỗ năm Bính Thìn 1616 lúc ở tuổi 69. Có trường hợp con thi đỗ trước bố như: Nguyễn Văn Định (tức Nguyễn Văn Hiến ở Đặng Xá) đỗ lúc 20 tuổi, đó là năm Bính Tuất 1526, trái lại bố là Nguyễn Văn Diễn lại đỗ năm Ất Mùi 1535, đỗ sau con 9 năm.[7]

Có thể nói Lương Tài là huyện vốn có truyền thống hiếu học và có nhiều người học thành đạt từ xa xưa. Truyền thống đó được nối tiếp phát huy qua các triều đại, các triều vua, nhiều dòng họ có truyền thống học tập tốt, nhiều người thông minh, tài giỏi.

Trước đây ở các thôn (làng) đều có khu gọi là "Văn chỉ", nơi này có các bia đá ghi tên những người trong làng đỗ đạt cao; để hàng năm thờ cúng và chiêm ngưỡng. Nay sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá nên hầu như không thôn nào còn. Có chăng chỉ còn sót lại một số tấm bia bị thất lạc ở nơi nào đó. Nay địa phương tìm, đào được thì đưa về đình (hoặc chùa) để giữ lại làm kỷ niệm. Những bia ấy đều viết bằng chữ Hán (Nho) hoặc chữ Nôm.

Xây văn chỉ của thôn, xã, huyện…chứng tỏ người xưa rất coi trọng học hành. Coi trọng người làm nghề "Thầy giáo" "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" "Không thầy đố mày làm nên". Có lẽ đó cũng là nét truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, cha ông vậy.